Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Nhất Duy - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) - cho hay Tết đến những món ăn truyền thống như bánh chưng, mứt, bánh kẹo và thức uống có đường luôn là điểm nhấn không thể thiếu trên bàn tiệc.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calo và đường có thể gây ra tình trạng tăng cân không mong muốn, mất kiểm soát đường huyết và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là một số mẹo từ các bác sĩ kiểm soát lượng calo hiệu quả để vui Tết trọn vẹn mà vẫn duy trì sức khỏe:
1. Kiểm soát khẩu phần ăn bằng cách chia nhỏ khẩu phần: Thay vì ăn một lúc một lượng lớn bánh chưng hoặc bánh tét, hãy chia nhỏ khẩu phần và chỉ ăn khoảng 1-2 lát mỗi bữa. Kết hợp ăn kèm với rau xanh để giảm hấp thu chất béo.
2. Thay thế thực phẩm thông minh: Bánh chưng, bánh tét thay vì bánh chưng nhiều mỡ, hãy chọn loại bánh nhân chay hoặc ít mỡ. Hạn chế ăn phần thịt mỡ và da trong nhân bánh.
Với mứt Tết nên hạn chế các loại mứt có hàm lượng đường cao như mứt bí, mứt dừa. Thay vào đó, chọn các loại trái cây sấy khô không đường hoặc ít đường như táo, nho khô, mơ khô.
Lưu ý với bánh kẹo nên ưu tiên các loại bánh làm từ yến mạch, hạt dinh dưỡng hoặc không đường. Hạn chế các loại bánh nhiều bơ, kem hoặc phủ chocolate.
3. Cân nhắc khi uống thức uống có đường: Thay vì nước ngọt, hãy chọn các loại nước ép trái cây tươi không đường, trà xanh hoặc nước lọc.
Với các loại rượu bia chứa nhiều calo rỗng, vì vậy hãy giới hạn chỉ từ 1-2 ly nhỏ/ngày và uống kèm nước lọc để giảm tác hại.
Hoặc có thể sử dụng trà thảo mộc như: trà gừng, trà hoa cúc hoặc trà atiso không chỉ giúp giải khát mà còn hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát lượng đường huyết.
4. Ăn nhiều rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả tươi, salad, củ cải, cà rốt không chỉ giúp cơ thể cảm thấy no lâu mà còn làm chậm quá trình hấp thu đường và chất béo. Hãy đảm bảo mỗi bữa ăn đều có ít nhất 1-2 phần rau xanh.
5. Ưu tiên hoạt động thể chất nhẹ nhàng bằng cách duy trì vận động: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ nhẹ hoặc tập yoga, giúp tiêu hao năng lượng dư thừa và duy trì cân nặng ổn định.
Tận dụng các hoạt động truyền thống ngày Tết như dọn dẹp nhà cửa, chúc Tết hoặc tham gia các trò chơi dân gian để tăng cường tiêu hao calo.
6. Giữ lịch ăn uống khoa học: Bữa sáng là thời điểm giúp kích hoạt quá trình trao đổi chất. Hãy bắt đầu ngày mới với một bữa ăn nhẹ lành mạnh như cháo yến mạch, sữa chua ít đường hoặc bánh mì ngũ cốc. Duy trì lịch ăn uống đều đặn, tránh ăn khuya vì dễ tích trữ mỡ thừa.
7. Tự chuẩn bị món ăn lành mạnh: Nếu có thể, hãy tự chế biến các món ăn Tết tại nhà để kiểm soát nguyên liệu. Giảm lượng đường, muối và dầu mỡ trong các món ăn như bánh chưng, giò lụa hay mứt Tết.
Làm các món tráng miệng như chè hoặc thạch với đường thay thế như đường ăn kiêng hoặc mật ong.
8. Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng: Hãy thưởng thức món ăn từ từ, nhai kỹ và cảm nhận hương vị. Việc này không chỉ giúp no lâu hơn mà còn hạn chế ăn quá đà.
9. Sử dụng các món ăn hỗ trợ tiêu hóa: Thêm vài lát gừng vào nước uống hoặc trà giúp tiêu hóa tốt hơn sau khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Hoặc sử dụng nước chanh ấm bằng cách uống một cốc nước chanh ấm pha mật ong vào buổi sáng để kích thích tiêu hóa và giảm cảm giác đầy bụng.
Chú ý ăn trái cây như dứa, cam, bưởi sau bữa ăn giúp bổ sung enzyme tiêu hóa và giảm hấp thụ chất béo.
10. Vận động, duy trì tập luyện và sinh hoạt hợp lý: Ngủ đủ giấc, đúng giờ, không thức quá khuya vào những ngày Tết. Đây cũng là một trong những lưu ý để có thể kiểm soát sức khỏe trong dịp Tết.
"Việc giữ một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và kiểm soát calo sẽ giúp bạn không chỉ tận hưởng trọn vẹn ngày Tết mà còn bảo vệ sức khỏe dài lâu.
Hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là kiêng khem hoàn toàn mà là ăn uống điều độ và chọn lựa thực phẩm thông minh", bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận