Báo Le Temps (Thụy Sĩ) nêu ra 10 vấn đề về COVID-19 mà đến nay chưa có lời giải đáp.
Đeo khẩu trang rất cần để ngăn biến thể virus mới lây lan - Ảnh: SHUTTERSTOCK
1. Khởi đầu của COVID-19
Trước đây các nhà khoa học nghi ngờ virus SARS-CoV2 có lẽ bắt nguồn từ loài dơi nhưng virus phải truyền qua vật chủ trung gian là loài động vật khác trước khi nhiễm cho người.
Đến nay, giả thuyết được ưu tiên vẫn là SARS-CoV-2 xuất hiện từ loài dơi ở Trung Quốc nhưng vật chủ trung gian là con gì thì vẫn chưa xác định.
2. Con đường virus lây truyền
Các nhà khoa học nghi ngờ SARS-CoV-2 lây nhiễm qua các giọt bắn và các hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) với tỉ lệ chưa xác định. Đến nay nguyên lý này vẫn giữ nguyên vì không có nghiên cứu lớn nào khác.
Đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2, chưa đủ bằng chứng ghi nhận đường lây truyền của chúng khác hơn. Chính vì vậy, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc.
Thuốc dexamethasone có thể làm giảm tỉ lệ tử vong và nhu cầu thở máy - Ảnh: AP
3. Thời gian miễn dịch
Các nghiên cứu trước đây về huyết thanh học ghi nhận những người nhiễm COVID-19 có phát triển khả năng miễn dịch nhưng chưa rõ thời gian miễn dịch bao lâu.
Nay, các nghiên cứu đã xác nhận gần 95% số người nhiễm COVID-19 có sản sinh kháng thể trung hòa và khả năng miễn dịch còn kéo dài ít nhất sau 6 tháng dù đó là ca bệnh nhẹ. Tuy nhiên chưa rõ lượng kháng thể cần thiết để tránh tái nhiễm là bao nhiêu.
Ngoài ra, chưa rõ các biến thể virus mới ở Nam Phi và Brazil tác động thế nào đến khả năng tái nhiễm bởi theo nghiên cứu ban đầu, cả hai đều mang đột biến E484K có thể làm giảm khả năng trung hòa của kháng thể.
4. Tỉ lệ tử vong
Dữ liệu trước đây ở Thụy Sĩ cho thấy COVID-19 không gây tỉ lệ tử vong quá mức.
Đến cuối năm 2020, Văn phòng Thống kê liên bang Thụy Sĩ công bố số liệu cho thấy COVID-19 có tỉ lệ tử vong cao, dao động từ 0,5% đến 1% số ca nhiễm và liên quan đến tuổi tác. Ví dụ tỉ lệ tử vong lên đến từ 25-50% đối với người già trên 80 tuổi mắc nhiều bệnh nền.
5. Nên dùng thuốc điều trị nào?
Chương trình thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 Solidarity của WHO đã chứng minh kaletra và hydroxychloroquine không hiệu quả. Hầu hết các bệnh viện ở Thụy Sĩ trước đây dùng remdesivir và dexamethasone.
Nay, theo khuyến cáo của WHO, dexamethasone vẫn được sử dụng vì làm giảm tỉ lệ tử vong và nhu cầu thở máy nơi bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch. Remdesivir đã bị loại bỏ do không rõ hiệu quả và chỉ được cân nhắc sử dụng cho một số bệnh nhân chọn lọc.
Nhiều liệu pháp điều trị khác đang được nghiên cứu như kháng thể đơn dòng, ivermectin, colchicine.
Biện pháp giãn cách được áp dụng tại sân bay Heathrow ở London (Anh) - Ảnh: REUTERS
6. Vì sao trường hợp này nghiêm trọng còn trường hợp khác vô hại?
Trước đây các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân một số ca nghiêm trọng hơn do hệ miễn dịch phản ứng quá mức dẫn đến giải phóng hàng loạt cytokine (bão cytokine).
Đến nay các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân do một số kháng thể được gọi là tự kháng thể đã bị nhầm lẫn mục tiêu nên tấn công luôn cơ thể. Con đường nghiên cứu liệu pháp điều trị sắp tới là nhắm mục tiêu vào các tự kháng thể để ngăn chặn chúng hoạt động.
7. Độ độc hại của các biến thể
Nhiều nhà nghiên cứu đã từng cho rằng SARS-CoV-2 đột biến là hiện tượng bình thường và phần lớn đột biến đều vô hại.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là bốn biến thể mới ở Anh, Nam Phi, Brazil và California. Trong đó biến thể mới ở Anh có thể lây truyền cao hơn khoảng 50%. Đã có có giả thiết cho rằng chúng có thể gây chết người nhiều hơn.
GS di truyền học François Balloux ở Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận xét: "Đối với những người được tiêm chủng vắc xin và những người đã nhiễm, chắc chắn khả năng miễn dịch của họ có thể làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng, tuy nhiên khả năng bảo vệ của họ sẽ giảm so với mong muốn".
Trong các công nghệ vắc xin, chỉ có các loại vắc xin ARN có ưu điểm dễ dàng thích ứng với các biến chủng virus mới.
Tiêu hủy chồn bị nghi nhiễm virus corona ở Đan Mạch - Ảnh: AP
8. Vai trò của trẻ em
Trước đây nhiều ý kiến nhận xét trẻ em hiếm khi phát triển các dạng COVID-19 nặng và thường nhiễm với dạng không triệu chứng. Đến nay, kết quả nghiên cứu của Các bệnh viện đại học Genève (HUG) và Đại học Genève cho thấy tỉ lệ dương tính huyết thanh học (seroprevalence) ở trẻ em trên 6 tuổi là 23%, gần tương đương với tỉ lệ này của dân số chung (22%).
Như vậy không thể nhìn số liệu và suy luận trẻ em không bị nhiễm bệnh bởi trẻ em thường phát triển các dạng bệnh không triệu chứng và như vậy ít được xét nghiệm hơn.
Vẫn chưa rõ trẻ em giữ vai trò gì trong quá trình virus lây nhiễm. Muốn biết điều này cần phải tiến hành sàng lọc hàng loạt trong các trường học.
9. Vật nuôi có lây nhiễm không?
Trước đây các nhà khoa học cho rằng vật nuôi có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có vai trò quan trọng trong lây truyền virus. Đến nay danh sách vật nuôi bị nhiễm tiếp tục tăng, ngoài chó, mèo, chồn còn có sư tử, hổ, khỉ đột.
Nhà dịch tễ học François Roger (Pháp) đánh giá điều này "chứng minh khả năng lây nhiễm từ người sang động vật, khả năng tiếp nhận và mức độ nhạy cảm của các động vật ăn thịt, đặc biệt là chồn".
Các nghiên cứu cho thấy virus lây lan vừa phải nơi chó và mèo nhưng đã bùng phát lớn trong các trang trại nuôi chồn, đặc biệt ở Đan Mạch.
WHO lưu ý SARS-CoV-2 có thể đột biến khi lây nhiễm sang chồn và các biến thể có thể truyền lại cho người tiếp xúc gần với vật nuôi.
10. Chừng nào dịch kết thúc?
Các chuyên gia đã từng nghĩ rằng vắc xin COVID-19 có khả năng ngăn chặn đại dịch. Song tiêm chủng cho phần lớn dân số sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, ngày đại dịch kết thúc vẫn còn xa khi các biến thể mới xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận