Đạo diễn Janet Grillo - Ảnh: Ngọc Đông |
Đạo diễn Janet Grillo từng đoạt giải Emmy, vừa có chuyến thăm Việt Nam để trình chiếu bộ phim Jack of the Red Hearts và có các buổi giao lưu với các nhóm đoàn thể và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ.
Tại đó, bà nói về liệu pháp Floortime, phương pháp trị liệu dựa trên tình cảm do tiến sĩ Stanley Greenspan phát triển. Phương pháp này cũng đã giúp người con trai mắc bệnh tự kỷ của bà hồi phục.
* Thông qua việc gặp gỡ và nói chuyện ở Việt Nam, bà nhận thấy tình hình tự kỷ ở đây hiện đang như thế nào?
- Hai mươi năm trước, khi con trai tôi được chẩn đoán là mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh lúc đó chỉ là 1/10.000 trẻ em ở Mỹ. Còn ngày nay, tỷ lệ này là 1/68. Số người tự kỷ chiếm 1% dân số Mỹ. Các nước khác cũng đã tiến hành khảo sát và cũng có được kết quả tương tự: 1% dân số của họ mắc bệnh tự kỷ. Chỉ mới có 1 nghiên cứu duy nhất được thực hiện ở Hà Nội và cũng cho ra thống kê như vậy.
Tại sao chuyện này lại đang xảy ra? Dù cho các nhà nghiên cứu ngày nay đã biết nhiều hơn về vấn đề này, thì nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng là gì. Tuy vậy, họ biết rằng tự kỷ là do sự tương tác giữa các độc tố trong môi trường và các tổn thương di truyền tiềm ẩn gây ra.
Điều này giải thích tại sao có sự gia tăng mạnh số người bị tự kỷ trong vài thập kỷ qua. Những người sinh ra trong những năm 50 - 70 đã bị nhiễm một lượng lớn các chất gây ô nhiễm môi trường từ hóa chất công nghiệp, chiến tranh và quá trình phát triển đô thị.
Những độc tố này được lưu giữ trong chất béo cơ thể, vượt qua hàng rào nhau thai, và tác động lên hệ thống sinh sản của cả nam và nữ.
Bệnh tự kỷ phát triển từ trong thai kỳ và không phải là do cha mẹ nuôi nấng không tốt mà bị. Đó không phải là lỗi của cha mẹ, và cũng không phải là lỗi của những đứa trẻ mắc bệnh. Khi những đứa trẻ bị tự kỷ hành xử khác thường, không phải là vì chúng đang ương bướng, do vậy các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt sẽ không giúp được gì.
Điều quan trọng là chúng ta phải công khai nói về vấn đề này, chấp nhận và cảm thông cho con cái của chúng ta, hợp sức cùng nhau nhằm giải quyết vấn đề đang tác động lên toàn xã hội này. Tôi hy vọng thời gian của mình ở Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần chấp nhận và hỗ trợ được phần nào.
Tôi đã rất ấn tượng với những người cha, người mẹ ở Việt Nam mà mình gặp. Họ thông minh và chủ động. Họ đã và đang làm những điều mà họ phải làm - cùng nhau tạo nên các cộng đồng, tìm kiếm dịch vụ, nghiên cứu các biện pháp điều trị và huy động các nguồn lực.
Họ còn mời những nhà trị liệu giỏi nhất của Mỹ đến Việt Nam để huấn luyện cho chuyên gia và phụ huynh phương pháp Floortime. Sự hỗ trợ từ chuyên gia nổi tiếng của Mỹ trong việc huấn luyện cho cộng đồng về các phương pháp tốt nhất sẽ giúp ích rất nhiều.
Tôi nghĩ nên tổ chức một cuộc hội nghị quốc gia nhằm kết nối cha mẹ và chuyên gia khắp cả nước, để có thể chia sẻ các nguồn lực với nhau.
Một cảnh trong Jack of the red hearts |
* Tại sao chúng ta cần xã hội hiểu thêm về chứng tự kỷ? Điều này có ích cho việc chữa trị cho trẻ em mắc chứng tự kỷ không?
- Não người rất linh hoạt và có thể thay đổi, cũng như sẽ tiếp tục phát triển trong suốt đời người. Tuy nhiên, giai đoạn linh hoạt nhất, có thể thay đổi nhiều nhất là từ lúc mới sinh đến 3 tuổi. Xác định sớm và can thiệp sớm, can thiệp sâu sẽ mang đến kết quả tốt nhất cho người bị chứng tự kỷ.
Xã hội càng nhận biết và chấp nhận người tự kỷ, thì khả năng cha mẹ đưa con đi khám và chữa trị càng cao. Nếu xã hội sợ hãi chứng tự kỷ, nghĩ rằng người bệnh không có hy vọng chữa lành, và không thể phát triển, các bậc cha mẹ sẽ không tìm kiếm và mang lại sự hỗ trợ mà con mình (và cả gia đình) cần đến.
Ngày nay cộng đồng người tự kỷ đã nhận được nhiều sự ủng hộ và có thêm nhiều tia hy vọng. Hơn 20 năm qua, khoa học đã có nhiều tiến bộ to lớn. Có đủ các phương pháp trị liệu mà có thể giúp trẻ phát triển hoàn toàn tiềm năng của mình, đồng thời có thể sống cuộc sống đầy đủ, và ngày càng độc lập.
Dù chúng ta vẫn chưa có phương pháp chữa lành hoàn toàn nhưng quyển sách này vẫn còn đang được viết tiếp, và chương về phương thuốc đó vẫn còn ở phía trước.
Tôi làm bộ phim Jack of the Red Hearts cũng với mong muốn nâng cao nhận thức, tinh thần chấp nhận và thấu hiểu dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các em, những người luôn yêu thương và chung sống cùng các em.
Sự thấu hiểu và chấp nhận là bước đầu tiên cần làm. Hãy hiểu rằng người mắc bệnh tự kỷ cũng là người, chỉ là họ đang mắc bệnh tự kỷ mà thôi. Họ cần và xứng đáng có được sự cảm thông, như bao con người khác.
* Theo bà, gia đình có vai trò như thế nào trong việc giúp trẻ tự kỷ hồi phục?
- Trẻ em có khả năng hồi phục tốt nhất khi chúng được tham gia tương tác điều trị 40 giờ mỗi tuần. Không chuyên viên trị liệu nào, hoặc phiên điều trị nào, có thể cung ứng được việc này.
Gia đình các em phải cung cấp hoạt động tương tác này theo một cách tự nhiên nhưng cũng phải khéo léo, có kỹ năng. Đó cũng chính là điều mà phương pháp Floortime thực hiện.
Phương pháp này huấn luyện cho cha mẹ trở thành những chuyên viên điều trị hàng đầu, và huy động cả gia đình cùng góp sức để điều trị. Một mạng lưới mạnh được xây đựng từ tình yêu thương gia đình và bạn bè sẽ giúp trẻ hồi phục.
* Bà từng nói tình yêu thương là chìa khóa thành công trong việc chữa trị trẻ tự kỷ?
- Hoàn toàn đúng. Tình yêu và sự thấu cảm, lòng nhân ái chính là điều quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng bất cứ đứa trẻ nào. Và các yếu tố đó cũng không ít quan trọng đi khi mà bạn nuôi dưỡng một đứa con mắc bệnh.
Qua Jack of the Red Hearts, tôi muốn mang đến một câu chuyện về tình yêu và cách tình yêu chữa lành mọi người, khiến mọi người tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ mình cô bé tự kỷ trong phim.
Tôi có cơ hội nói chuyện với các bạn sinh viên hoạt động trong ngành công tác xã hội và tôi đã nói với họ về tầm quan trọng của tình yêu thương.
Điều quan trọng nhất mà tôi có thể chỉ cho họ là mang tình yêu của mình vào trong phương pháp trị liệu và điều đó sẽ tạo ra khác biệt. Khi làm công việc của mình, các bạn cần nhớ là đứa trẻ mà bạn đang giúp đỡ mới quan trọng, chứ không chỉ là những lý thuyết được ghi chép trong sách vở mà thôi.
Theo tổ chức vì người tự kỷ Austiosm Speaks của Mỹ, liệu pháp Floortime dựa trên giả thuyết rằng người lớn có thể giúp trẻ mở rộng mạng lưới giao tiếp của mình bằng cách hòa mình theo mức độ phát triển của trẻ và xây dựng thế mạnh cho trẻ. Cũng như tên gọi của nó, Floortime (Chơi trên sàn) khuyến khích cha mẹ hòa theo mức độ phát triển của trẻ bằng cách ngồi bệt xuống sàn và chơi cùng con trò của con, cho trẻ dẫn đầu trò chơi đó, từ đó hướng dẫn trẻ tham gia những hoạt động tương tác với mức độ phức tạp tăng dần lên. Nhìn chung, liệu pháp này hướng đến việc giúp trẻ đạt được 6 cột mốc phát triển về cảm xúc và trí óc, là tự điều chỉnh và quan tâm đến thế giới, gần gũi hay tham gia vào các mối quan hệ giữa người với người, giao tiếp hai chiều, giao tiếp phức tạp, ý tưởng cảm xúc, và tư duy cảm xúc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận