19/04/2025 09:40 GMT+7

1,4 tỉ người sống ở nơi bị nhiễm kim loại nặng

ANH THƯ
và 1 tác giả khác

Có tới 17% diện tích đất canh tác trên toàn cầu bị nhiễm ít nhất một loại kim loại nặng độc hại, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của khoảng 900 triệu đến 1,4 tỉ người.

kim loại - Ảnh 1.

Nước thải ô nhiễm từ ngành khai thác mỏ chảy qua khu đất canh tác của nông dân ở Đông Xuyên, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Đây là kết quả của nghiên cứu được công bố ngày 17-4 trên tạp chí Science (Khoa học), và là nghiên cứu đầu tiên cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn cầu về mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong đất.

Các nhà khoa học đã tiến hành một phân tích tổng hợp quy mô lớn, sử dụng dữ liệu từ gần 800.000 mẫu đất thu thập từ nhiều nghiên cứu trước đó để đưa ra kết luận này.

Để đảm bảo tính chính xác và đại diện của dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã cẩn trọng loại bỏ các mẫu được thu thập có chủ đích tại các khu vực đã biết là bị ô nhiễm. Sau đó, họ ứng dụng các thuật toán học máy tiên tiến để xác định những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu, do chuyên gia môi trường Deyi Hou từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) dẫn đầu, tập trung vào các khu vực có nồng độ của ít nhất 1 trong 7 kim loại nặng vượt quá ngưỡng an toàn khuyến nghị cho nông nghiệp và sức khỏe con người. Bảy kim loại này bao gồm arsen, cadmium, coban, crom, đồng, niken và chì.

Các kim loại nặng này có thể gây tổn hại cho sức khỏe con người, động vật và thực vật ở các liều lượng khác nhau. Chúng dễ dàng xâm nhập vào các hệ sinh thái khác nhau thông qua chuỗi thức ăn và nguồn nước, gây ra những hậu quả lâu dài và khó lường.

Thông qua phân tích dữ liệu với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 14% đến 17% tổng diện tích đất canh tác trên toàn cầu đã bị ô nhiễm với ít nhất một trong các kim loại nặng này. Đáng chú ý, có từ 900 triệu đến 1,4 tỉ người hiện đang sinh sống tại các "khu vực có nguy cơ cao" này.

Nguyên nhân gây ra ô nhiễm kim loại nặng trong đất có thể xuất phát từ cả các quá trình địa chất tự nhiên và các hoạt động của con người, bao gồm chất thải công nghiệp, hoạt động nông nghiệp không bền vững và khai thác mỏ.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu ở một số khu vực, đặc biệt là châu Phi, còn hạn chế, gây khó khăn cho việc xây dựng các chương trình mục tiêu để giảm thiểu rủi ro. Do đó, nghiên cứu này được xem như "một cảnh báo khoa học khẩn cấp" đối với các nhà hoạch định chính sách và người nông dân, kêu gọi họ "thực hiện các biện pháp cần thiết và ngay lập tức" để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này.

Phát hiện hoa dại trong thành phố hấp thu kim loại độc hại và truyền cho ong

hoa - Ảnh 1.

Cỏ ba lá hoa trắng là một trong những loài cây tích tụ nhiều kim loại độc hại - Ảnh: HANNASBEES

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) phát hiện những loài cây phổ biến như cỏ ba lá hoa trắng và cây bìm bìm trong thành phố có thể tích tụ asen (arsenic), cadmium, crom (chromium) và chì từ trong đất bị ô nhiễm.

Khi ăn mật hoa có chứa các kim loại và á kim trên, nhiều loài thụ phấn như ong có thể bị suy giảm trí nhớ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng kiếm ăn, thậm chí chết và dẫn đến giảm quy mô quần thể.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) với hơn 37.000 lô đất trống do người dân dọn đi. Nơi này từng là trung tâm sản xuất sắt thép cũng như lọc dầu và sản xuất ô tô - những ngành công nghiệp khiến đất nhiễm kim loại nặng.

Lượng chì luôn được ghi nhận ở mức cao nhất trong các loài hoa dại xung quanh thành phố, mặc dù các loài cây khác nhau tích tụ lượng và loại kim loại khác nhau. Cây tích tụ nhiều kim loại nhất theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu là cây chicory hoa xanh sáng (thuộc họ diếp xoăn), kế đến là cỏ ba lá hoa trắng, cà rốt hoang dã và bìm bìm.

Theo báo Guardian ngày 17-4, các thành phố trên thế giới phải đối mặt với tình trạng nhiễm kim loại trong đất. Mức độ ô nhiễm thường tăng theo "tuổi đời" của thành phố. Các nguồn ô nhiễm bao gồm bụi xi măng và khai thác mỏ.

Nhóm nghiên cứu đang kêu gọi các khu vực đô thị kiểm tra các chất gây ô nhiễm, cải tạo và làm sạch đất trước khi trồng hoa dại. Đồng thời nhắc nhở mọi người vẫn nên trồng hoa dại để thu hút ong - một trong những loài thụ phấn quan trọng.

1,4 tỉ người sống ở nơi bị nhiễm kim loại nặng - Ảnh 4.Nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc Đông y kéo dài

TTO - Trong 20 năm nay đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp