17/10/2019 10:20 GMT+7

1.300 biệt thự trước 1975 đã mất 600 căn: Dễ đập bỏ, khó bảo tồn?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết trong 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975, đã mất khoảng 600 căn. Những công trình có giá trị di tích, cảnh quan kiến trúc rất dễ biến mất trước áp lực của quá trình phát triển đô thị.

1.300 biệt thự trước 1975 đã mất 600 căn: Dễ đập bỏ, khó bảo tồn? - Ảnh 1.

Đoàn giám sát HĐND TP giám sát thực tế tại nhà thờ Huyện Sỹ, quận 1 ngày 16-10 - Ảnh: NGỌC HÀ

Những nội dung trao đổi tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại Q.1 và Q.5 cho thấy việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị gây nhiều khó khăn cho các chủ sở hữu.

Trong khi đó, những công trình có giá trị di sản ngày càng dễ dàng biến mất.

HĐND TP.HCM có buổi giám sát bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại Q.1 ngày 16-10. Đoàn giám sát đã đi thực tế tại chùa Linh Sơn (P.Cô Giang) và nhà thờ Huyện Sỹ trước khi nghe UBND Q.1 báo cáo về công tác bảo tồn.

6 năm làm thủ tục sửa chùa Ngọc Hoàng

UBND Q.1 cho biết ở quận này hiện có 1 công trình di tích quốc gia đặc biệt là dinh Độc Lập, 6 công trình di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia, 5 công trình di tích lịch sử quốc gia, 8 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP.

Ngoài ra, trên địa bàn Q.1 còn có 26 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Đại diện UBND Q.1 nêu ra nhiều khó khăn khi quản lý các công trình di tích đã xếp hạng và trong danh mục kiểm kê. Với những công trình đã xếp hạng, thủ tục xin sửa chữa công trình rất nhiêu khê.

Một trường hợp được đề cập cụ thể là chùa Ngọc Hoàng đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1994. Ngôi chùa có dấu hiệu xuống cấp hư hỏng từ nhiều năm trước nên được UBND Q.1 xin phép sửa chữa mái ngói chống dột năm 2013.

Vì là di tích cấp quốc gia nên mặc dù kinh phí cho dự án sửa chữa là 4,8 tỉ đồng phải trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khi dự án được duyệt, cơ quan chức năng không thể đưa ra đấu thầu chọn đơn vị thi công bởi không có nhiều đơn vị thi công đủ tiêu chuẩn tham gia, các đơn vị lớn thì "chê" bởi dự án quá... nhỏ.

Đến năm 2019, cơ quan chức năng Q.1 mới tìm được đơn vị đủ điều kiện thi công tham gia đấu thầu nhưng kinh phí 4,8 tỉ đồng duyệt từ năm 2013 nay không còn phù hợp!

1.300 biệt thự trước 1975 đã mất 600 căn

Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Dũng - chủ tịch UBND Q.1, nhiều công trình có giá trị di tích, nhiều cảnh quan kiến trúc rất dễ biến mất trước áp lực của quá trình phát triển đô thị. Ông Dũng ví dụ như không gian cảnh quan của tuyến đường Tôn Đức Thắng nay đã không còn.

"Trong tương lai, các tuyến metro hình thành với không gian đô thị hiện đại thì những không gian kiến trúc cảnh quan lịch sử của TP.HCM khó lòng giữ được nếu TP không có chính sách quyết liệt giữ lại. Không gian chợ Bến Thành, công trường Quách Thị Trang sẽ tồn tại và kết nối ra sao với nhà ga metro trung tâm hiện đại?" - ông Dũng đặt vấn đề.

Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cũng cho biết trong 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975 thì đã mất khoảng 600 căn. Qua khảo sát thực tế, đoàn giám sát cũng phát hiện tấm bia tại chùa Linh Sơn biến mất. Người đại diện nhà chùa cho biết tấm bia lịch sử này đã bị đập qua nhiều lần sửa chữa.

Ông Trương Trung Kiên, trưởng ban đô thị, HĐND TP.HCM, lưu ý không gian cảnh quan kiến trúc đô thị đang bị biến đổi rất nhanh, từ cũ sang mới, từ thấp sang cao tầng. Nếu các cơ quan chức năng không kết hợp được chương trình bảo tồn cảnh quan vào quy hoạch 1/2.000 của địa phương thì nội dung của hai quy hoạch này không trùng khớp, sẽ khó quản lý.

Ông Dũng kiến nghị cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc công nhận di sản, pháp lý hóa các công trình có giá trị bảo tồn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách giải quyết quyền lợi của người dân có công trình thuộc diện bảo tồn để khuyến khích người dân tham gia.

Lại chờ kết quả phân loại biệt thự

Phòng quản lý đô thị Q.1 cho biết trên địa bàn quận có 19 biệt thự muốn xây dựng mới nhưng bị vướng vì chờ kết quả phân loại biệt thự của TP. Hoặc như tuyến đường Võ Văn Kiệt được quy hoạch là tuyến cảnh quan nhưng không nói rõ chỉ áp dụng đối với dãy nhà mặt tiền đường hay với cả những nhà trong hẻm.

Vì vậy, UBND Q.1 không biết có được cấp phép xây dựng cho những nhà dân trong hẻm của tuyến đường hay không.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết ông cũng đang khổ sở vì trụ sở UBND Q.1 nằm trong danh sách các công trình đã được kiểm kê nên không thể xây dựng sửa chữa được.

Còn trụ sở UBND P.Tân Định có nguồn gốc là một biệt thự cũ, tuy nay không còn nhận ra hình dáng xưa nhưng phải ngừng lại để chờ chương trình phân loại biệt thự.

16 biệt thự cũ tuyệt đẹp ở hai quận 1, 3 cần được bảo vệ nguyên trạng 16 biệt thự cũ tuyệt đẹp ở hai quận 1, 3 cần được bảo vệ nguyên trạng

TTO - Có 16 ngôi biệt thự cũ trên địa bàn quận 1 và quận 3 (TP.HCM) được xếp vào nhóm 1 và đề xuất bảo tồn nguyên trạng.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp