Hiện tại, Vĩnh Long đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 1.000 hiện vật nông ngư cụ quý hiếm trong ngành nông nghiệp lúa nước qua các thời kỳ - Ảnh: CHÍ HẠNH
Đà Nẵng vừa duyệt dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở UBND TP Đà Nẵng trước đây và hiện là HĐND TP) nằm bên bờ sông Hàn để làm Bảo tàng Đà Nẵng.
Theo đó, Bảo tàng Đà Nẵng đang nằm trong vùng lõi của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải sẽ dời sang tòa nhà 42 Bạch Đằng.
Dự án gồm 2 giai đoạn, được thực hiện từ năm 2020-2022, trên tổng diện tích đất quy hoạch gần 8.700m2.
Trong khi đó, theo đề án của Vĩnh Long, Bảo tàng Nông nghiệp có tổng kinh phí ước tính 400 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh Vĩnh Long và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp và Trường ĐH Cần Thơ. Công trình có diện tích hơn 11ha, dự kiến khởi công từ năm 2022, hoàn thành năm 2027.
Đà Nẵng: dự án ngốn hơn 500 tỉ đồng
Tòa nhà 42 Bạch Đằng là một trong những công trình đầu tiên người Pháp xây dựng tại thành phố cảng từ hơn 120 năm trước (trong khoảng thời gian 1898-1900) và là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị.
Để chuẩn bị cho bảo tàng mới, ông Huỳnh Văn Hùng - giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng - cho biết Đà Nẵng đã mở một cuộc thi thiết kế quốc tế và chọn thi công theo phương án thiết kế được trao giải nhất của một tác giả người Pháp.
TP Đà Nẵng cũng đưa dự án cải tạo nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng và dự án phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) vào danh mục những dự án trọng điểm mang tính động lực.
Chỉ đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng dự án này ngốn tới hơn 500 tỉ đồng. Trả lời Tuổi Trẻ về chi phí xây dựng của dự án đến 342 tỉ đồng, trong khi chỉ có diện tích xây dựng mới hơn 2.000m2 tòa nhà 1 tầng hầm và 3 tầng nổi, ông Nguyễn Hữu Hinh - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng (đơn vị quản lý dự án) - cho biết chi phí xây dựng như vậy là hợp lý.
Ông Hinh cho rằng việc xây dựng bảo tàng rất công phu, phức tạp và đòi hỏi trang trí nội thất, thiết kế, công nghệ hiện đại để giữ gìn hiện vật, nó khác với công trình bình thường nên không thể so sánh được; thậm chí một số hạng mục cải tạo lại tốn rất nhiều công sức, nhân công hơn là xây mới.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, với vị trí đắc địa thì mục tiêu của công trình ngoài góp phần phục vụ nhu cầu học tập, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân, nơi đây phải xứng tầm là một điểm thu hút du khách quốc tế.
Trong khi nhiều bảo tàng trong tình trạng "đuổi ruồi không bay" vì vắng khách, Bảo tàng Đà Nẵng lại có sự tăng trưởng du khách đáng nể.
Năm 2017 bảo tàng này đón 200.000 lượt khách, năm 2018 bảo tàng đã đón hơn 275.000 lượt và năm 2019 là hơn 330.000 lượt khách tham quan.
Tòa nhà 3 tầng có kiến trúc cũ của thời Pháp sẽ được giữ lại, chỉ cải tạo bên trong làm không gian trưng bày - Ảnh: V.HÙNG
Vĩnh Long: bảo tàng đầu tiên tôn vinh người nông dân
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL với diện tích hơn 11ha tại huyện Vũng Liêm, nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, vai trò to lớn của nông dân.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư 400 tỉ đồng để xây dựng bảo tàng lúc này liệu có hợp lý, ông Võ Quốc Thanh - phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Long - cho biết đây là dự án do trung ương ưu tiên đầu tư trên địa bàn Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030.
Đề án tập trung vào mục đích chính là bảo tồn di sản văn hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL, phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tận dụng dự án này vào việc thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Thanh cũng cho biết tỉnh sẽ trình đề án lên Bộ VH-TT&DL xem xét, trình xin ý kiến của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và trình Thủ tướng quyết định, từ đó mới có cơ sở thực hiện.
Theo ông Phan Văn Giàu - giám đốc Sở VH-TT&DL Vĩnh Long, ĐBSCL có bề dày 300 năm hình thành và phát triển nghề lúa nước, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có bảo tàng trưng bày về nông nghiệp.
"Trước khi xây dựng đề án, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tỉnh trong khu vực. Các địa phương cũng rất sẵn sàng ủng hộ Vĩnh Long trong công tác sưu tầm hiện vật nông nghiệp qua các thời kỳ".
"Tỉnh đã hình thành một vòng cung du lịch trong tương lai, từ vương quốc gạch gốm đương đại đến di tích Thoại Ngọc Hầu, sau đó kết nối về bảo tàng nông nghiệp. Khi xây dựng đề án, tỉnh đã tính toán rất kỹ để không làm xáo trộn đời sống nhân dân. Dự án được thực hiện trên đất của người dân và đất công, người dân sẽ không cần phải di dời đi đâu cả, mà được sinh sống, hưởng lợi ngay trên đất của mình. Bên cạnh đó, cụm công trình bảo tàng còn phục vụ cho du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế thành một nhà nông..." - ông Giàu nói về lợi ích của đề án.
Với tư cách là người tham gia xây dựng đề án Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL, TS Dương Văn Ni - giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm - đa dạng sinh học Hòa An, Trường ĐH Cần Thơ - cho biết theo số liệu thống kê đầu năm 2019, Việt Nam có trên 160 bảo tàng, trong đó 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên chưa có bảo tàng về nông nghiệp.
C.HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận